Món tiềm thuốc bắc có lợi thế nào và cách nấu ra sao?

Thuốc bắc trong y học cổ truyền là loại bài thuốc hữu hiệu mà khá lành tính với cơ thể. Không chỉ dùng để sắc thuốc chữa bệnh, thuốc bắc còn có thể dùng kết hợp với thực phẩm để tạo ra món ăn cực kỳ bổ dưỡng. Vị của món tiềm thuốc bắc không hề ngang hay đắng, mà thơm bùi, là “đăc sản” trong lòng nhiều thực khách. Tác dụng của món tiềm thuốc bắc thì khỏi phải nói, có thể bổ sung dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe ở nhiều mặt. Đặc biệt là món ăn còn có thể chế biến phù hợp dành cho cả người ăn chay và người ăn mặn.
Món tiềm thuốc bắc
Bên cạnh đó, nhiều vị thuốc bắc hiện diện như đảng sâm, đương quy, hoài sơn, nhục trúc, xuyên khung, kỷ tử, thục địa, thanh địa, nhãn nhục, táo tàu… giúp cho món tiềm thêm bổ dưỡng, được xem như một kiểu “sâm thang” quý được ưa dùng từ xa xưa. Nếu vua chúa có những món tiềm từ các nguyên liệu bát trân như tay gấu, đuôi rắn hổ… thì người dân quê thì tiềm thịt gà, thịt heo với rau củ cũng rất nên thuốc.
Món tiềm thuốc Bắc phù hợp nhiều người. Đặc biệt là người suy nhược, thiếu máu, sau điều trị bệnh, phụ nữ sau sinh. Món này cũng tốt cho người làm việc trí óc căng thẳng, cần bồi bổ sau thời gian làm việc, học hành quá sức. Đây là món ăn có nguồn gốc từ ẩm thực Trung Hoa cổ đại.
Theo y học cổ truyền, món tiềm giúp tăng cường khí lực, bổ máu, tăng sinh hồng cầu. Ngoài ra còn giúp sáng mắt, đẹp da. Làm tăng sức đề kháng, ngăn ngừa lão hóa, kích thích tiêu hóa… Đây là món có tính bổ dưỡng cao. Nhưng món tiềm không làm tăng cân ngoài ý muốn vì tỷ lệ bột đường khá thấp. Mỗi tuần có thể ăn 1-2 lần. Người ăn chay trường càng cần sử dụng thường xuyên hơn. Có thể thực hiện món tiềm thuốc bắc chay với nấm, tàu hũ ky, đậu hũ chiên.
Công thức nấu món tiềm thuốc bắc
Bạn có thể tham khảo cách chế biến món tiềm thuốc bắc dành cho khoảng 4-6 người dùng sau đây.
- Nguyên liệu
Nguyên liệu tiềm cho người ăn mặn: một con gà/vịt/giò lợn…, trọng lượng khoảng 1-1,2 kg.
Nguyên liệu tiềm cho người ăn chay: 300 g nấm đông cô (hoặc nấm đùi gà), 100-200 g tàu hũ ky, 2-4 miếng đậu hũ chiên.
Thang thuốc tiềm: Thục địa 15 g, đẳng sâm 12 g, đương quy 12 g, hoàng kỳ 12 g, liên nhục 12 g, hoài sơn 15 g, ý dĩ 15 g, kỷ tử 8 g, đại táo 12 g, trần bì 4 g.
Gia vị: muối, gừng, tiêu, nước tương.
- Thực hiện
Rửa sạch từng vị thuốc, vẩy ráo nước, cho vào nồi. Đổ nước ngập gấp 2-2,5 lần lượng thuốc và ngâm khoảng 30 phút.
Cách làm với món tiềm thuốc bắc mặn
- Ướp gà (hoặc vịt, giò lợn…) đã được làm sạch. Và chặt miếng theo sở thích với muối hạt và gừng đập dập.
- Cho các phần xương của gà/vịt như đầu, cổ, cánh vào nồi thuốc. Đậy nắp nồi, bắc lên bếp. Vặn lửa lớn đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa liu riu. Nấu khoảng 30 phút.
- Cho tiếp phần thịt gà/vịt/giò lợn vào nồi thuốc. Lượng nước ngập khoảng 2/3 nguyên liệu. Vặn lửa lớn cho sôi bùng. Sau đó hạ lửa nấu liu riu thêm khoảng 30 phút cho cả gà/vịt/lợn và thuốc mềm vừa ăn.
- Nêm thêm một ít nước tương và muối vừa với khẩu vị rồi tắt bếp. Rắc tiêu vừa đủ. Các nguyên liệu đều có vị ngọt rất tự nhiên nên không cần thêm bột ngọt.
Cách làm với món tiềm thuốc bắc chay
- Cắt nấm, tàu hũ ky và đậu hũ thành miếng vừa ăn.
- Bắc nồi thuốc lên bếp, vặn lửa lớn đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa liu riu, nấu khoảng 30 phút.
- Cho tiếp phần nấm, tàu hũ ky, đậu hũ, một ít muối hột, ít nước tương vào nồi thuốc. Vặn lửa lớn cho sôi bùng. Sau đó hạ lửa nấu liu riu thêm khoảng 30 phút. Sao cho cả nấm, tàu hũ và thuốc mềm vừa ăn là đạt.
- Nêm thêm một ít nước tương, muối rồi tắt bếp. Rắc tiêu vừa đủ.
- Nếu không có thời gian canh lửa, có thể nấu món tiềm bằng nồi áp suất. Đổ cả thuốc đã ngâm nước và các nguyên liệu vào nồi áp suất. Sau đó đảo đều, chọn chế độ và thời gian thích hợp. Với nấm và tàu hũ, nên cắt miếng lớn để tránh bị nhừ, nát.
- Lưu ý nên mua thuốc bắc ở các cửa hàng uy tín. Hoặc trong các bệnh viện chuyên ngành.
Nguồn: vnexpress.net